Thống kê truy cập

Đang Online: 1

Thống kê ngày: 59

Thống kê tháng: 984

Tổng truy cập: 211219

Fanpage facebook

Tin tức & Sự kiện

Mục đích chính trị của Trung Quốc khi điều tên lửa ra Hoàng Sa

Ngày đăng : 22/02/2016 - 4:51 PM
Ngoài thể hiện tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông, động thái đưa tên lửa phòng không của Trung Quốc ra đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, còn chứa mục đích chính trị nội bộ.

Bà Valerie Niquet chuyên gia về Trung Quốc thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp nhận định ngoài các mục đích quân sự và khẳng định tham vọng lãnh thổ, động thái này còn mang một mục đích chính trị sâu xa của Bắc Kinh.

Bà Niquet cho rằng một trong những đặc điểm của chính sách đối nội của Trung Quốc là mỗi khi trong nước gặp bất ổn, chính quyền Bắc Kinh thường tìm cách hướng sự chú ý của dư luận trong nước ra bên ngoài, để nhằm làm giảm sức ép chỉ trích và tạo điều kiện về thời gian cho lãnh đạo tập trung khắc phục tình hình nội bộ.

"Năm 2009 khi nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khó khăn lớn, giới lãnh đạo lúc đó bị chỉ trích vì phản ứng kém hiệu quả trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để giảm nhiệt tạm thời, Bắc Kinh đã lựa chọn phương pháp hướng sự chú ý của dân chúng ra ngoài nước bằng cách thể hiện thái độ cứng rắn với Washington trong vụ va chạm với tàu USNS Impeccable", bà Niquet đánh giá.

Theo cáo buộc của Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu USNS Impeccable ngày 8/3/2009 đã bị 5 tàu Trung Quốc áp sát quấy rối, có lúc ở khoảng cách chỉ 7,5 m, trên Biển Đông, khu vực cách đảo Hải Nam khoảng 120 km về phía nam, khiến USNS Impeccable phải dừng đột ngột để tránh va chạm. Lầu Năm Góc đã lên án "đây là một hoạt động khiêu khích nguy hiểm và không chuyên nghiệp".

Francois Heisbourg, chuyên gia chính trị thuộc quỹ Nghiên cứu chiến lược Paris, cũng cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định triển khai tên lửa phòng không HQ-9 là yếu tố chính trị nội bộ của Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc khi triển khai tên lửa tại Biển Đông là muốn khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có trong lịch sử nước này. Chiến dịch quy mô này "động chạm" đến nhiều người có quyền lực trong chính trường Trung Quốc và phần nào gây ra một làn sóng phản ứng ngầm của một bộ phận dân chúng. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc chính là phương tiện hiệu quả để ông Tập Cận Bình đoàn kết dân chúng và củng cố quyền lực.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào năm tới và ông Tập Cận Bình sẽ thay đổi một loạt vị trí lãnh đạo cấp cao, trong khi đó nền kinh tế nước này đang giảm tốc. Vì vậy, ông Tập Cận Bình cần phải tỏ ra mạnh mẽ và chứng tỏ được nỗ lực kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.

Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Navsource.org

Tàu USS Lassen Mỹ điều vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây 
trái phép ở Trường Sa. Ảnh: Navsource.org

 

Bên cạnh đó, bà Nicquet đánh giá việc tàu khu trục của Mỹ đã triển khai các hoạt động tự do hàng hải tại khu vực quần đảo Hoàng Sa hồi tháng trước nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã gây ra một thái độ bất mãn đối với nhiều chính trị gia và học giả theo trường phái diều hâu ở Trung Quốc. Họ cảm thấy Trung Quốc đang bị "bắt nạt" và lãnh đạo dường như không có biện pháp nào có thể đối phó hữu hiệu.

Và Bắc Kinh đã lựa chọn thời điểm không thể tốt hơn để xoa dịu "những cái đầu nóng" này. Việc đưa hệ thống tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào thời điểm Mỹ và các nước ASEAN đang có cuộc họp thượng đỉnh dường như có tính biểu tượng nhiều hơn là nhằm những mục đích quân sự thực tế.

Bên cạnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm cách tạo tiếng vang cho động thái này nhằm lấy lại hình ảnh và uy tín đối với giới học giả và phân tích trong nước. Bắc Kinh hoàn toàn biết rằng động thái di chuyển các hệ thống vũ khí có kích thước lớn như vậy không thể thoát khỏi sự theo dõi của các hệ thống trinh sát vệ tinh hiện đại của Mỹ, tuy nhiên ban đầu, họ vẫn khẳng định thông tin này là sự "dựng chuyện" của báo chí phương Tây.

"Bắc Kinh hiểu rằng khi họ có thái độ phản ứng, truyền thông phương Tây nhất định sẽ đưa ra các bằng chứng, và vô tình họ đã thay mặt chính quyền Trung Quốc khẳng định thông tin này với dư luận trong nước", chuyên gia Heisbourg nhận định.

Và khi các bằng chứng đã tương đối rõ ràng, Bắc Kinh mới nửa úp nửa mở khẳng định khả năng này.

Ngày 18/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc đã triển khai các hệ thống phòng thủ quốc gia, mà không nói rõ hệ thống nào, trên quần đảo Hoàng Sa trong nhiều thập kỷ, và sự việc không có gì mới. 

Tuyên bố của phát ngôn viên Hồng Lỗi đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/2 đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối việc Bắc Kinh vi phạm chủ quyền ở Hoàng Sa, đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng các hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy việc lắp đặt các hệ thống tên lửa "vừa mới diễn ra" trên đảo Phú Lâm đi ngược lại cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.

"Với việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh muốn khẳng định một mục đích chính trị rõ ràng. Đó là tiếp tục khơi dậy chủ nghĩa dân tộc vốn dựa trên nền tảng những yêu sách về lãnh thổ ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh tại Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Niềm tự hào dân tộc, hay hy vọng về một "giấc mơ Trung Hoa" chính là phương tiện hữu hiệu nhất để Chủ tịch Trung Quốc củng cố quyền lực hướng tới nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai", bà Niquet khẳng định.

Nguyễn Hoàng

Bài viết liên quan: